10 kí hiệu mỹ phẩm phổ biến nhất giúp bạn đọc vị bao bì
Mục lục
Shopping rồi sử dụng mỹ phẩm đã lâu nhưng bạn đã thực sự hiểu hết các kí hiệu mỹ phẩm có trên bao bì chưa? Cùng Happy Skin giải mã ngay ý nghĩa của 10 kí hiệu phổ biến nhất trong bài viết sau nhé!
Các kí hiệu mỹ phẩm thường nằm ở đâu?
Không có quy ước nào về vị trí xuất hiện của các kí hiệu mỹ phẩm. Các nhà sản xuất có thể đặt nó ở phía trước hoặc phía sau nhưng đa số thường các kí hiệu sẽ được ghi chú ở mặt sau của bao bì. Trong trường hợp mặt trước và mặt sau đều không có thì bạn có thể nhìn ở các mặt bên để tìm những kí hiệu này nhé.
Giải mã 10 kí hiệu mỹ phẩm phổ biến nhất
Chiếc hộp mở nắp
Thường đối với mỹ phẩm sẽ có 2 hạn sử dụng (HSD) gồm:
- HSD tính từ ngày sản xuất
- HSD tính từ khi mở nắp
Đa số mọi người chỉ quan tâm đến HSD đầu tiên và nó được in ngay ở bao bì của sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến thời gian sử dụng kể từ khi bắt đầu mở nắp của sản phẩm nha. Lấy một ví dụ dễ hiểu, chẳng hạn như sữa tươi tiệt trùng nếu không mở nắp thì 6 tháng – 1 năm sau vẫn có thể dùng được. Nhưng nếu đã mở nắp thì chắc chắn phải bảo quản trong ngăn lạnh từ 8 – 10 độ C và sử dụng trong vòng 3 ngày.
Hầu hết trên bao bì mỹ phẩm đều có kí hiệu mỹ phẩm hình chiếc hộp mở nắp để quy định thời gian sử dụng tối đa sau khi mở nắp. Trên thân của kí hiệu mỹ phẩm này sẽ có những ký tự như 3M, 12M, 24M, 36M,… trong đó chữ M là viết tắt của chữ Month (tháng). Như vậy, 12M có nghĩa sản phẩm nên được sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày mở nắp.
Dưới đây là HSD trước và sau khi mở nắp của một số loại mỹ phẩm phổ biến mà các bạn có thể tham khảo:
Tin buồn là mỹ phẩm hữu cơ có thời gian sử dụng rất ngắn, chỉ từ 3 – 6 tháng. Vì vậy bạn nào yêu thích dùng các dòng sản phẩm hữu cơ thì nhà Happy Skin khuyên các bạn phải cực kì để ý đến thông tin này, tránh trường hợp trong khi mỹ phẩm đã hết HSD nhưng vẫn vô tư dùng nhé.
Sẽ có câu hỏi đặt ra rằng nếu dung tích sản phẩm lớn thì làm thế nào sử dụng hết trong thời gian ngắn? Câu trả lời cũng đơn giản thôi, hãy tích cực thoa sản phẩm không chỉ ở mặt mà còn ở các vùng da khác trên cơ thể như cổ, tay, chân,… Nếu chẳng may sau 3 tháng mà lượng kem vẫn còn thì thật ra nếu chỉ hơi quá hạn 1 xíu vẫn không sao cả, miễn không thoa lên mặt hay các vùng da nhạy cảm. Thay vào đó có thể thoa lên cùi chỏ, hoặc giữ lại để lau đồ da, dùng những việc ở trong nhà,…
Đồng hồ cát
Theo quy định của Châu Âu, nếu mỹ phẩm có HSD < 30 tháng kể từ ngày sản xuất thì bắt buộc phải có kí hiệu mỹ phẩm là chiếc đồng hồ cát nhỏ trên bao bì.
Chú thỏ
Nếu bạn thấy có kí hiệu mỹ phẩm chú thỏ trên bao bì thì đừng hiểu lầm có bất kỳ nguyên liệu nào trong sản phẩm liên quan đến thỏ, mà đơn giản rằng sản phẩm bạn đang sử dụng không có bất kỳ thử nghiệm nào trên động vật. Hiện nay chỉ có 3 biểu tượng chú thỏ hợp pháp được in trên bao bì để kiểm chứng thương hiệu không tiến hành các cuộc thử nghiệm trên động vật trong quá trình sản xuất gồm:
- Kí hiệu chú thỏ nhảy xuống trên toàn cầu.
- Chú thỏ có tai hồng với dòng chữ Crueltyfree dùng cho sản phẩm của Mỹ.
- Chú thỏ có dòng chữ Not tested on animals xuất hiện trên Mỹ phẩm từ Úc.
Ngoài ra, nhà Happy Skin lưu ý rằng nếu sản phẩm của bạn có dòng chữ No animal testing nhưng lại không có hình chú thỏ nào trong 3 chú thỏ bên trên thì đừng tin tưởng hoàn toàn tuyệt đối rằng sản phẩm này không có cuộc thử nghiệm nào trên động vật.
Sản phẩm mà Happy Skin lấy ví dụ dưới đây có hình chú thỏ đầu tiên được quy ước ở trên toàn cầu và dòng chữ là No animal testing nên cũng được xem là quy ước hợp lý.
Chữ e
Kí hiệu chữ e được xuất hiện trên bao bì mỹ phẩm thì có nghĩa mọi thông tin về sản phẩm bao gồm khối lượng tịnh đều hoàn toàn chính xác và không có bất kì chênh lệch nào nếu sản phẩm chưa được mở nắp nếu chưa đến tay người tiêu dùng.
Thông thường kí hiệu mỹ phẩm này thường được đặt bên cạnh khối lượng tịnh hoặc dung tích của sản phẩm, có thể xuất hiện ở cả mặt trước hoặc mặt sau mà không có một quy ước rõ ràng nào đâu nha.
Ngọn lửa
Biểu tượng hình ngọn lửa thường xuất hiện trong các sản phẩm như chăm sóc tóc, chăm sóc da dạng xịt hoặc sơn móng tay với ý nghĩa chúng rất dễ cháy. Do đó, nếu bạn thấy kí hiệu mỹ phẩm này thì tuyệt đối đừng dùng sản phẩm ở gần lửa hoặc những nơi có nhiệt độ cao nhé.
Bàn tay và cuốn sách
Trong trường hợp nhà sản xuất không thể viết hết thông tin ở trên bao bì thì họ sẽ có ký hiệu mỹ phẩm hình bàn tay và cuốn sách để gợi ý người dùng hãy tìm một cuốn hướng dẫn nhỏ ở bên trong hộp để xem chi tiết thông tin bao gồm công dụng, thành phần, HDSD,…
3 mũi tên tạo hình tam giác
3 mũi tên tạo hình tam giác là biểu tượng quốc tế được công nhận với ý nghĩa sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế và thân thiện với môi trường. Nếu nhìn thấy kí hiệu mỹ phẩm này trên sản phẩm mình dùng thì xin chúc mừng, bạn đang chung tay bảo vệ môi trường xung quanh đấy!
Mũi tên âm dương
Kí hiệu mỹ phẩm 2 mũi tên âm dương có ý nghĩa nhà sản xuất đã bỏ ra một khoản chi phí để thu gom và tái chế bao bì sau khi sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ở một số thị trường không có chương trình thu gom và tái chế thì đây là yêu cầu bắt buộc để nhà sản xuất phải đóng góp để thực hiện công tác này.
Chữ UVA trong vòng tròn
Bạn đã bao giờ thấy biểu tượng chữ UVA trong vòng tròn bao giờ chưa? Đây là kí hiệu mỹ phẩm rất phổ biến trong các sản phẩm đến từ Châu Âu, đặc biệt là mỹ phẩm Pháp. Có nhiều bạn sẽ nghĩ rằng kí hiệu này có nghĩa sẽ bảo vệ da khỏi 100% trước tia UVA, đặc biệt là UVA 1 và UVA 2 nhưng thực tế không có mỹ phẩm nào có thể bảo vệ chúng ta hoàn toàn khỏi các tia này đâu nha.
Theo quy định của Châu Âu, nếu một sản phẩm có mức độ bảo vệ UVA tối thiểu được đề nghị cho kem chống nắng thì có thể sử dụng kí hiệu mỹ phẩm chữ UVA trong vòng tròn. Vậy mức độ bảo vệ UVA tối thiểu là thế nào? Câu trả lời rằng mức độ bảo vệ UVA tối thiểu = ⅓ chỉ số SPF.
Ví dụ, chỉ số SPF 30 thì PPD sẽ tương đương với 10. Để hiểu hơn PPD 10 có nghĩa là gì thì các bạn có thể theo dõi bảng sau:
Nói một cách nôm na nếu PPD 10 sẽ tương đương với PA+++ theo quy định của các nước Châu Á.
Nếu SPF 50+ kèm theo kí hiệu chữ UVA trong vòng tròn thì có nghĩa PPD bằng hơn 16 và tương đương với PA++++ là mức độ bảo vệ cao nhất đối với tia UVA.
Tổng kết lại, kí hiệu mỹ phẩm UVA trong vòng tròn chỉ là quy định một cách tối thiểu, trong thực tế có rất nhiều sản phẩm có thể bảo vệ tia UVA tốt hơn rất nhiều so với mức tối thiểu đó. Để biết chính xác, bạn cần để ý thêm thông tin thông số PPD hoặc PA. Một điểm hơi rắc rối đó là các mỹ phẩm Pháp bây giờ rất ít khi ghi thông tin thông số PPD ở trên bao bì, mà thường chỉ có 3 cách ghi như sau:
- Chỉ số SPF + kí hiệu chữ UVA trong vòng tròn.
VD: SPF 50 + UVA ~ PA++++ - Chỉ số SPF + kí hiệu UVB + UVA Ultra: Có thể hiểu khả năng bảo vệ của sản phẩm rất tốt trước tia UVA.
- Chỉ số SPF/PA.
VD:SPF50/PA+++; SPF30/PA++++
Giải thích một cách dễ hiểu, theo quy định của các nước Châu Âu, một kem chống nắng tốt phải bảo vệ được cả tia UVB và tia UVA. Chỉ số SPF càng tăng lên thì chỉ số PA/PPD cũng phải tăng theo tương ứng, đó là lý do chúng ta có ký hiệu mỹ phẩm UVA ở trong vòng tròn, đồng nghĩa sẽ có tỷ lệ ⅓ giữa PPD và SPF. Hiểu nôm na nếu SPF 10 thì PPD cũng phải đạt được 3, SPF 30 thì chỉ số PPD sẽ là 10.
Như Happy Skin có chia sẻ ở phần trên, có những sản phẩm đạt vượt chuẩn theo quy tắc này. Chẳng hạn SPF 30 nhưng PA++++ thì đã tương đương với PPD khoảng hơn 16.
ECOCERT
ECOCERT là tổ chức phi chính phủ chuyên chứng nhận sản phẩm hữu cơ nói chung và mỹ phẩm hữu cơ nói riêng được thành lập tại Pháp vào năm 1991. Đây cũng là tổ chức chứng chận hữu cơ lớn nhất đã có trụ sở tại hơn 80 quốc gia. Hiện nay chứng chỉ của ECOCERT đã trở thành tài liệu tham khảo vô cùng quen thuộc đối với người tiêu dùng và những chuyên gia trong việc xác định những mỹ phẩm mà chúng ta đang sử dụng có phải là mỹ phẩm hữu cơ hay không.
ECOCERT có 2 chứng nhận mỹ phẩm bao gồm ECOCERT Natural và ECOCERT Natural and Organic. Trong đó ECOCERT Natural quy định sản phẩm phải có tối thiểu 50% thành phần có nguồn gốc từ thực vật và có tối thiểu 5% thành phần đến từ việc canh tác hữu cơ tính trên khối lượng. Đối với ECOCERT Natural and Organic thì yêu cầu ít nhất 95% thành phần có nguồn gốc thực vật trong công thức và tối thiểu 10% thành phần đến từ việc canh tác hữu cơ tính trên khối lượng.
Ngoài ECOCERT còn có một số tổ chức chứng nhận hữu cơ tiêu biểu khác như:
- USDA: Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kì.
- Australian Certified Organic: Chứng nhận hữu cơ của Chính phủ Úc.
- NATRUE: Chứng nhận hữu cơ của Châu Âu.
- SOIL ASSOCIATION: Chứng nhận hữu cơ của Anh.
Hy vọng những giải mã về 10 ký hiệu mỹ phẩm trong bài viết đã giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích và hiểu hơn về các sản phẩm mà mình sử dụng hàng ngày. Đừng quên theo dõi chuyên mục Blog của Happy Skin để đọc thêm nhiều bài viết thú vị khác nhé!
Xem thêm các bài tin tức liên quan
Please login or register to submit your questions.