Có nên dùng mỹ phẩm chứa Paraben hay không?
Mục lục
Đi ngược lại hơn 80 năm về trước, bạn đã có thể tìm thấy parabens như một ngôi sao hạng A, hiện diện trong hàng triệu triệu các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, như dầu gội đầu, mascara, các loại kem và khử mùi…v…v. Thuật ngữ “paraben” là viết tắt của axit para-hydroxybenzoic, lần đầu tiên được giới thiệu là vào năm 1930, và hiện nay là một trong những chất bảo quản dược mỹ phẩm được sử dụng rộng rãi nhất trên khắp hành tinh.
Paraben là một trong những chất bảo quản dược mỹ phẩm được sử dụng rộng rãi
Lý do mà Paraben phổ biến trong dược mỹ phẩm là vì chúng duy trì tính toàn vẹn của sản phẩm, đồng thời, chúng khá rẻ tiền, không mất tính năng và hiệu quả trên một phạm vi pH rộng. Đồng thời bảo vệ mỹ phẩm đó chống lại sự phát triển của các loại nấm mốc cũng như vi khuẩn, đặc biệt là những loại mỹ phẩm thường xuyên được đặt trong môi trường nóng ẩm, như nhà tắm chẳng hạn.
Nhưng trong vài năm trở lại đây, parabens dần trở nên bị hắt hủi bởi nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng, khi một cuộc tranh luận nổ ra giữa các nhà khoa học với các nhà quản lý dược mỹ phẩm về vấn đề “liệu parabens có thể làm gây ra những mối nguy hại to lớn và lâu dài đến sức khỏe của con người hay không?”
Trước đây, có rất nhiều báo cáo về tình trạng viêm da tiếp xúc do parabens sau khi sử dụng. Một số trường hợp có thể gây co thắt phế quản, ngứa, và viêm đỏ da, mề đay…v…v…Nhưng parabens chỉ thực sự trở nên nổi tiếng, khi có thông tin cho rằng, paraben làm giảm số lượng tinh trùng, gây ung thư tinh hoàn và ung thư vú.
Parabens có làm giảm số lượng tinh trùng, ung thư tinh hoàn và ung thư vú không?
Vài thông tin râm ran đã được đưa ra về mối nguy hại to lớn và lâu dài của parabens đã làm dư luận hoang mang không ít.
Philippa Darbre, là một giảng viên ngành ung thư và là một nhà nghiên cứu lỗi lạc của khoa học sinh học phân tử tại Đại học Reading, Anh. Một nghiên cứu của Darbre vào năm 2004 trên Journal of Applied Toxicology, đã chỉ ra rằng parabens dù không gây ra ung thư vú, nhưng nó tác động xấu trên các khối u này, do parabens hoạt – động – tương – tự – estrogen, dù nó nhẹ và ít hơn nhiều so với estrogen tự nhiên của cơ thể.
Thật vậy, Viện Ung thư Mỹ, cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), hiệp hội sức khỏe Canada (Canada Health), ủy ban khoa học của Châu Âu về sản phẩm tiêu dùng (European Commission’s Scientific Committee on Consumer Products) đã khẳng định rằng hiện nay, không có đủ bằng chứng kết luận rằng parabens trong dược mỹ phẩm có liên quan ung thư vú, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến parabens trong các vụ kiện tụng về việc gây ra ung thư ở người.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đan Mạch gần đây đã phát hiện trong máu và nước tiểu của các tình nguyện viên nam trẻ khỏe mạnh sau khi thoa lên da một sản phẩm có parabens. Các tác giả kết luận rằng, dù không gây giảm tinh trùng, nhưng từ các hóa chất có thể được hấp thu, chuyển hóa và bài tiết, parabens “có thể có khả năng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe”. Nghiên cứu này cũng chỉ trích các nghiên cứu trước đó, khi cho rằng các nghiên cứu lúc trước đã không đánh giá được các tác động tích lũy của parabens qua nhiều năm sử dụng.
Trước thông tin nêu trên, FDA vẫn cho rằng ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng không cần quá e ngại mỹ phẩm có parabens. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ tiếp tục thu thập và đánh giá các dữ liệu mới trong lĩnh vực này.
Những loại sản phẩm có chứa parabens?
Parabens được sử dụng trong hầu hết các loại mỹ phẩm. Mỹ phẩm có thể chứa parabens có thể bất cứ dược mỹ phẩm nào (kem dưỡng ẩm, serum chăm sóc tóc, các sản phẩm cạo râu, gel…v…v). Hiện nay, cụm từ “paraben free” đã được đông đảo người tiêu dùng lưu ý khi chọn mua các dược mỹ phẩm cho gia đình.
Kết luận của Happyskin:
Cho đến nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận về việc Parabens có thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không, và bản thân cộng đồng Châu Âu, cộng đồng ASEAN và ngay cả tại Việt Nam, cục quản lý Dược cũng đã lên tiếng: “Việt Nam nằm trong cộng đồng ASEAN, nên khi có quyết định của Cộng đồng Asean, Cục Quản lý Dược đã cập nhật các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó khuyến cáo việc ngưng sử dụng các chất Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben và thực hiện lộ trình như Cộng đồng Châu Âu và Cộng đồng ASEAN. Chính vì thế, các sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường tại Cộng đồng châu Âu cũng như tại các nước thành viên ASEAN cho đến khi áp dụng lộ trình mới.”
Trong khi chờ đợi Cục quản lý Dược thông báo về lộ trình mới trong việc cấm 5 chất parabens Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben, Happyskin cũng đã tìm hiểu về thông báo của cộng đồng Châu Âu về vấn đề này và nhận được rất nhiều thông tin có giá trị mà bạn đọc có thể lưu tâm:
Trong thông báo này, các chất Paraben phổ biến như: methylparaben và ethylparaben được xác nhận là an toàn nếu sử dụng ở nồng độ cho phép.
Đối với các chất Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben chưa có kết luận về tính an toàn của các sản phẩm này. Những rủi ro với sức khỏe con người chưa được đánh giá.
Tính an toàn của propylparaben và butylparaben đang cần được xem xét thêm.
Không có mối lo ngại nào về acid 4-Hydroxybenzoic và muối của acid này (calcium paraben, potassium paraben, sodium paraben).
Qua đây, Happyskin có thể kết luận rằng nếu bạn lo ngại về các sản phẩm chứa các thành phần Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben, có thể cân nhắc việc ngưng sử dụng. Nếu đang sử dụng các sản phẩm chứa thành phần này, bạn vẫn có thể dùng tiếp và chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác đã được xác nhận mức độ an toàn.
Tuy nhiên, với những sản phẩm chứa Methylparaben, Ethylparaben và các loại paraben khác vốn rất phổ biến trong mỹ phẩm, bạn vẫn có thể yên tâm sử dụng.
Xem thêm các bài tin tức liên quan
Please login or register to submit your questions.