Tác hại và dấu hiệu nhận biết KEM TRỘN bạn nên cẩn thận khi mua mỹ phẩm
Mục lục
Kem trộn có lẽ là từ khóa gây hoang mang và đáng sợ nhất với các chị em mê làm đẹp. Mỗi ngày trong inbox Happy Skin nhận được rất nhiều ảnh chụp làn da đang bị tổn thương nghiêm trọng sau khi dùng kem trộn và những chia sẻ trót “nhẹ dạ cả tin, mê trắng nhanh, da đẹp không tì vết chỉ sau vài đêm” của nhiều chị em. Để các bạn hiểu rõ hơn và thay đổi quan niệm về chăm sóc da, cân nhắc và kỹ lưỡng hơn khi chọn mỹ phẩm, hãy cùng Happy Skin tìm hiểu kĩ hơn về “kem trộn” và dấu hiệu nhận biết.
Steroid là gì?
Steroid dạng bôi hay còn gọi là Corticoid là thành phần trong một số loại thuốc được bác sĩ da liễu kê để điều trị vảy nến, chàm, viêm da dị ứng… đặc biệt là khi kết hợp với những sản phẩm mang tính làm mềm (emollient) sẽ cải thiện tình trạng viêm da hiệu quả. Những trường hợp sử dụng Steroid để điều trị thường dưới 3 tháng với nồng độ thấp, ví dụ như Hydrocortisone 1%, cho đến dưới 3 tuần đối với nồng độ cao và hoàn toàn sử dụng dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.
Chất này khi được sử dụng ở nồng độ cao sẽ có tác dụng phụ là tẩy trắng da, nhiều người đã dựa vào tác dụng phụ này và trộn Steroid nồng độ cao vào mỹ phẩm bán trục lợi.
Khi dùng Steroid nồng độ mạnh, liều cao và trong thời gian dài, cùng với không có sự kiểm soát của bác sĩ có thể dẫn đến một số tác dụng phụ dưới đây:
– Cảm giác nóng rát da.
– Da mỏng đi.
– Rối loạn sắc tố.
– Chứng giãn mao mạch (telangiectasias)
– Lông và tóc ở vùng điều trị rậm hơn.
– Kích ứng và tình trạng da đang điều trị trở nên tồi tệ hơn.
– Xuất hiện mụn.
– Sức đề kháng của da yếu đi, dễ bị tổn thương bởi bất cứ tác nhân có hại nào khác.
Nhìn tất cả những tác dụng phụ trên, tôi nghĩ bạn đã có thể phần nào nhận ra sự có mặt của Steroid trong một số sản phẩm dưới cái tên chung: Kem trộn.
Kem trộn chính xác là gì?
Kem trộn là thành phẩm của một quá trình lạm dụng sự pha trộn các thành phần theo tỷ lệ và nồng độ không chuẩn xác, nguyên liệu thiếu tính tinh khiết do không đảm bảo nguồn gốc, không có công nghệ và quy trình đảm bảo tính vệ sinh của những thương hiệu kinh doanh không rõ ràng.
Dạng kem trộn phổ biến trên thị trường có chứa Steroid nồng độ cao, cùng với các thành phần khác như Vitamin E, Cortibion, Aspirin, Becozym, Alcohol, chất tẩy trắng, chất tạo màu hóa học, chất bảo quản… Bản thân của một số thành phần trong kem trộn không gây hại, như Vitamin E làm mềm da, Cortibion điều trị viêm da, chống khuẩn, Aspirin là dẫn xuất của Salicylic Acid hỗ trợ kháng sưng viêm, hay Becozym là phức hợp các Vitamin B quen thuộc. Thế nhưng, bởi một cụm từ “cố ý lạm dụng” mà tất cả trở thành thành phần của một dạng sản phẩm nguy hại cho da.
Đáng nói là không chỉ riêng Steroid liều cao mới gây hại cho da, một số chất được biết đến như cứu tinh của làn da Vitamin C, nhân sâm, ngọc trai, thảo dược… khi bị pha trộn không kể nguồn gốc và vô tội vạ cũng gây nên tác dụng tiêu cực cho người dùng.
Dấu hiệu nhận biết kem trộn
Thường thì rất tiếc là các sản phẩm kem trộn không bao giờ công bố thành phần hoặc sẽ không thể hiện đầy đủ, thậm chí ghi sai lệch thông tin, hoặc chỉ ghi một vài chất như glycerin, vitamin E,…Và cũng rất khó để đưa ra bằng chứng rõ cho tất cả các sản phẩm này, trừ khi mua hết và đem đi xét nghiệm. Nhưng xét nghiệm thì cũng chỉ phát hiện được trong lọ kem có những chất gì, chất đó thực tế có hại hay không còn cần thêm những xét nghiệm cao cấp hơn trong một thời gian dài ở phòng thí nghiệm trong các môi trường giả lập, tế bào hay invivo…và hàng loạt xét nghiệm gắt gao hơn.
Vậy làm thế nào để nhận biết kem trộn hay các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng với mắt thường và tránh, đúng là rất khó nhưng vẫn có thể ghi ngờ nếu bạn bắt gặp các dấu hiệu này:
- Hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, hoặc có nhãn mác nhưng không có các chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền chỉ ghi đơn giản là kem của spa, công thức gia truyền, kem cốt…
- Các sản phẩm được quảng cáo có thể dưỡng da trắng nhanh, không vàng lông chỉ sau vài ngày kèm hình ảnh hot girl chia sẻ ảnh trước và sau khi dùng, da từ đen sang trắng như tuyết. Hay hình ảnh quảng cáo kem có khả năng lột da từng lớp, bạn sẽ dễ thấy các video lột da.
- Chất kem sệt, đặc mịn, thường có màu vàng, có mùi hắc
- Các sản phẩm bạn bè, người quen đã dùng sản phẩm, một vài tuần đầu da trắng bật hẳn tông kiểu trắng như sứ, mịn màng, thậm chí mờ cả nám, tàn nhang…nhưng sau một thời gian hoặc khi ngưng thì da tổn thương nghiêm trọng như:
– Da trắng bệch, xanh xao, thiếu sức sống.
– Mao mạch bị giãn dẫn đến hiện tượng tấy đỏ trên da.
– Da yếu hơn do màng bảo vệ ngoài lớp sừng bị phá hủy, gây nên hàng loạt các tình trạng mẩn ngứa, rát bỏng, phồng rộp, mụn mủ…
– Da trở nên mất sức đề kháng, có thể gặp vấn đề với bất kì tác động nào từ bên ngoài lên da.
– Các loại kí sinh trùng gây hại như demodex tấn công da mạnh mẽ, vô cùng nguy hiểm
– Một số bạn còn xét nghiệm ra kết quả da nhiễm corticoid.
Dưới đây là một số sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ thông tin xuất xứ, kiểm định chất lượng, độ an toàn, hoặc thay đổi nội dung sau khi công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng chưa được chấp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sản xuất mỹ phẩm không thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về “thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) hoặc tương đương được Hội đồng mỹ phẩm ASEAN thừa nhận… đã bị cục quản lý thị trường, phòng cảnh sát môi trường phát hiện như:
- Ecolly
- Jenny
- Gold
- Mix 4
- Mỹ phẩm Thái Ngọc Nguyên
- Mỹ phẩm Tùng Ân
- Samsara
Trên đây chỉ là một vài cái tên đã được phát hiện hoặc tịch thu, báo đài đưa tin còn thực tế ngoài kia vẫn còn hàng ngàn nhãn hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bán đại trà, giá từ vài chục đến hàng triệu.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hiện rất phổ biến, thường tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ. Trong tổng số vụ vi phạm về kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm thì tình trạng giả nhãn hiệu chiếm đến 50%; hàng giả kém chất lượng 22%; giả kiểu dáng/nhãn hiệu, nguồn gốc 17%,… Và thỉnh thoảng đọc báo lại thấy hàng loạt lô hàng lên đến hàng tấn bị tịch thu vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, hay các cơ sở trộn kem với công nghệ “xô chậu”, thủ công; các lô hàng giả không rõ thành phần, chất lượng, tưởng tượng nếu không bị phát hiện thì số mỹ phẩm này sẽ đến tay người tiêu dùng với những nhãn mác hào nhoáng thì hậu quả còn đáng sợ đến mức nào.
Với những ai đã lỡ sa chân vào kem trộn không chủ ý thì hãy tìm cách ngừng lại nhanh chóng. Tham khảo bài viết “Cách “cai nghiện” và PHỤC HỒI DA cho các chị em lỡ dại dùng KEM TRỘN” để có cho mình quá trình chăm sóc phục hồi làn da tổn thương đúng đắn và an toàn nhất.
Lời cuối, làn da của chúng ta không phải như quần áo, bộ này không thích thì thay bộ khác, da chỉ có một thôi, một khi đã bị tổn thương, bào mòn thì rất khó phục hồi. Thế nên hãy cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm, không chỉ những sản phẩm có corticoid mới hại da mà cả những sản phẩm không rõ xuất xứ, thành phần, hàng giả…bạn đều nên tránh, đừng vì mê những tác dụng tức thời, chớp nhoáng, giá rẻ mà hy sinh sức khỏe da nhé.
Xem thêm các bài tin tức liên quan
Please login or register to submit your questions.